Cẩn trọng khi chọn mua sản phẩm chống muỗi

  • 05/11/2024

PNO - Lợi dụng lúc dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, nhiều công ty, điểm kinh doanh ở TPHCM rầm rộ quảng cáo và bán máy xông tinh dầu đuổi muỗi, máy bắt muỗi, lưới chống muỗi… Theo các chuyên gia, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ khi mua các sản phẩm này bởi có thứ không mang lại hiệu quả, có thứ gây hại cho người dùng.

 

5105_5-1.jpg
Có thể dùng tinh dầu đuổi muỗi nhưng người tiêu dùng nên chọn loại có thương hiệu, nguồn gốc (ảnh chụp tại một gian hàng trong khuôn viên siêu thị Lotte Mart Cộng Hòa, Q.Tân Bình)

Tràn ngập hàng giá rẻ 

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện khá nhiều gia đình chọn mua máy xông tinh dầu để đuổi muỗi do mùi hương tinh dầu tạo cảm giác thư giãn. Nhiều sản phẩm được giới thiệu là hàng ngoại nhập nhưng không rõ nguồn gốc, chất lượng. 

avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Chủ một cửa hàng chuyên bán hóa chất diệt muỗi, côn trùng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3 cho hay, hầu hết máy xông tinh dầu trên thị trường có nguồn gốc từ Trung Quốc, kết cấu của máy đều như nhau. Người này giới thiệu với chúng tôi loại máy hiệu Par Par của Trung Quốc, có giá 50.000 đồng/chiếc kèm chai tinh dầu (nếu mua tinh dầu lẻ thì có giá 25.000 đồng/chai) rồi quảng cáo: Các dòng máy xông đắt tiền hơn có thời gian khuếch tán tinh dầu chỉ 3 - 4 giờ nhưng dòng máy hiệu Par Par này có thời gian khuếch tán tới 400 giờ. Hộp sản phẩm máy xông này chỉ toàn tiếng nước ngoài, còn chai tinh dầu không có nhãn mác gì. 

“Muốn đuổi muỗi thì phải bật máy xông cả ngày, mua tinh dầu giá rẻ để tiết kiệm. Tinh dầu nào cũng như nhau hết. Trung Quốc có công nghệ làm tinh dầu riêng nên giá rẻ chứ không phải sản phẩm kém chất lượng. Khách hàng mua đông lắm, ngày nào chúng tôi cũng bán gần 100 sản phẩm” - chủ cửa hàng này nói. 

Dòng máy xông hiệu Par Par cũng đang được bán nhiều trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, được đông đảo phụ nữ tìm mua để đuổi muỗi trong phòng làm việc. Một số dòng máy và tinh dầu được quảng cáo có xuất xứ từ Hàn Quốc nhưng thông tin bên ngoài vỏ hộp là tiếng Việt, trên thân chai tinh dầu là tiếng Hàn, có nơi rao bán 79.000 đồng/máy kèm chai tinh dầu, có nơi rao giá 25.000 đồng/máy, còn tinh dầu có giá 18.000 đồng/chai 45ml.

Nhân viên một gian hàng bán máy xông tinh dầu tại siêu thị Lotte Mart, Q.Tân Bình cho biết, lượng khách mua tinh dầu để đuổi muỗi, côn trùng hiện tăng gấp 2 - 3 lần so với trước. Nhóm tinh dầu được nhiều người chọn mua là sả chanh, tràm, sả Java, bạc hà, cam, chanh sần, giá từ 110.000 đồng/chai 10ml. Riêng máy xông thì có nhiều dòng, giá từ 550.000 đến 2,8 triệu đồng/máy tùy kết cấu khay nhựa chứa tinh dầu, thời gian hoạt động của máy, diện tích khuếch tán tinh dầu. Nhân viên này nói, dòng máy hiệu Par Par đúng là tiện lợi hơn nhưng thanh khuếch tán trong chai tinh dầu rất dễ hư, phải liên tục thay mới, tinh dầu giá rẻ rất nguy hiểm cho sức khỏe người dùng. 

Các loại máy bắt muỗi cũng đang được rao bán rầm rộ, giảm giá mạnh để kích thích người mua. Nhiều điểm bán thông báo tạm hết hàng do nhu cầu mua tăng cao. Tại một công ty bán hàng điện máy trên đường Điện Biên Phủ, Q.10, phân nửa trong số 20 loại máy bắt muỗi tạm hết hàng do sức mua tăng. Các sản phẩm chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, Hồng Kông, giá bán rẻ hơn phân nửa so với sản phẩm trong nước.

Bên cạnh đó, nhu cầu lắp lưới chống muỗi tại nhà cũng tăng. Ông Vũ Trí Thức - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tổ Ấm Xanh - cho biết, gần đây, số khách đặt lắp lưới chống muỗi tăng cao hơn khoảng 20% so với trước. Giá lắp đặt từ 700.000 đến 1,6 triệu đồng/m2 tùy loại lưới: lưới xếp không dây không ray, lưới xếp có dây, lưới tự cuốn, lưới lùa, mở một cánh hoặc hai cánh. Ưu điểm của lưới là chống được muỗi, côn trùng, kiến ba khoang, bụi nhưng không cản gió. 

Thận trọng với tinh dầu đuổi muỗi

Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy - Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường đại học Bách khoa TPHCM - cho biết, đèn bắt muỗi chỉ là thiết bị phát ra ánh sáng, bên trong có gắn quạt hút, lưới điện hoặc keo dính. Nguyên lý hoạt động là sản phẩm chiếu sáng để thu hút muỗi, khi muỗi đến gần thì bị quạt hút dính vào keo hoặc nhốt vào trong máy, bị sức nóng hoặc điện làm chết. 

1399_5-2.jpg
Máy đuổi muỗi hiệu Par Par đang được nhiều chị em giới văn phòng tìm mua nhưng tinh dầu đi kèm thường không có nhãn mác

Ưu điểm của máy này là thân thiện với môi trường, an toàn khi sử dụng. Nhược điểm của máy là chỉ hiệu quả ở khu vực đặt đèn trong không gian khá nhỏ như bàn làm việc, phòng ngủ, bàn ăn và không hiệu quả vào ban ngày. Một số sản phẩm có lưới điện dễ bị rỉ sét trong quá trình sử dụng nên hiệu quả diệt muỗi bị hạn chế. 

Thực tế, không ít khách hàng phản ánh đã bỏ tiền triệu để mua máy bắt muỗi nhưng hiệu quả không như mong đợi bởi lượng muỗi bay ngang nơi đặt máy rất ít, còn máy xông tinh dầu cũng chỉ hiệu quả khi tinh dầu phát tán, khi tắt máy thì muỗi vẫn còn. 

Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Hội Dược liệu TPHCM), đông y vẫn thường dùng hương thơm để trị liệu. Hương thơm tinh dầu khuếch tán ra không khí giúp cơ thể sảng khoái, yêu đời, bình tâm. Việc dùng tinh dầu để vừa đuổi muỗi, vừa làm thư giãn đầu óc là tốt, vấn đề nằm ở chất lượng tinh dầu. Ông nói: “Thị trường tinh dầu đang bị bỏ ngỏ. Rất ít đơn vị trong nước sản xuất được tinh dầu. Phần lớn tinh dầu được nhập từ Thái Lan, Indonesia rồi pha chế lại. Khi đuổi muỗi bằng tinh dầu, cần lưu ý, mỗi lần chỉ dùng một giọt và không nên xông trong phòng có diện tích quá nhỏ trong thời gian dài. Những người bị hen suyễn, mắc các bệnh về hô hấp, xoang, dị ứng tinh dầu thì nên cẩn thận bởi mùi hương càng thơm, càng nồng thì bệnh càng dễ bộc phát. Nếu dị ứng với mùi hương tinh dầu, trẻ sơ sinh có thể tử vong do bị co thắt đường thở”. 

Tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên bộ môn y học cổ truyền Trường đại học Y Dược TPHCM - cho biết thêm, tinh dầu dạng nước, dạng viên có nhiều loại, như tinh dầu tổng hợp, tinh dầu thiên nhiên còn tạp chất (còn nước hoặc kim loại) và tinh dầu thiên nhiên nguyên chất. Trong đó, tinh dầu tổng hợp có hai loại, một loại bị pha trộn các dung môi khiến tinh dầu nhạt đi nhưng mùi thơm sẽ tăng lên, rất nồng nhờ sự khuếch tán mạnh của dung môi; một loại là tinh dầu hương liệu được tạo nên từ mùi hương tổng hợp. Cả hai loại này có mùi thơm nồng, gắt nhưng hương thơm không lưu được lâu. Riêng tinh dầu thiên nhiên có mùi thơm đặc trưng của loài thảo mộc cụ thể, tạo cảm giác thư giãn, dễ chịu, mùi thơm nhẹ nhàng nhưng lưu giữ được rất lâu. Dùng tinh dầu trôi nổi, chứa nhiều hóa chất dung môi trong thời gian dài (để đuổi muỗi) sẽ rất nguy hiểm.

Tiến sĩ Huỳnh Tấn Vũ dẫn chứng, cách đây không lâu, có một gia đình bốn người ở tỉnh Hòa Bình phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, nôn do dùng máy xông tinh dầu đuổi muỗi suốt ngày đêm, liên tục trong nhiều ngày. Loại tinh dầu này có nhãn hiệu ghi chữ Hàn Quốc, giá chỉ 20.000 đồng/chai, khi gửi đi xét nghiệm thì trong thành phần có chứa chất cypermethrin - chất dùng trong thuốc trừ sâu, diệt ruồi, muỗi, kiến, gián, côn trùng, thuộc danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong một số trường hợp. “Nguồn gốc của tinh dầu rất quan trọng. Chỉ nên chọn loại có thương hiệu, được kiểm định chất lượng” - tiến sĩ Huỳnh Tấn Vũ khuyên. 

Theo nhân viên quầy bán tinh dầu trong khuôn viên siêu thị Lotte Mart, nếu là tinh dầu thiên nhiên thì khi nhỏ lên mặt giấy, dầu loang rất nhanh, mau khô. Còn khi nhỏ tinh dầu tổng hợp lên mặt giấy, dầu sẽ không loang, lâu khô, mặt giấy bị nhăn. Nhiều nơi quảng cáo tinh dầu nhà làm (handmade) thì đó là tinh dầu còn chứa tạp chất và do có hàm lượng nước cao nên phải bảo quản trong tủ lạnh, chỉ dùng trong 3 - 4 ngày; quá thời gian này, dầu thường tách khỏi nước và bị hư. Sản phẩm nào được quảng cáo “handmade” nhưng lại có hạn sử dụng lâu, dầu không tách khỏi nước thì đó không phải là sản phẩm handmade. 

Thanh Hoa