“Du mục kỹ thuật số”, xu hướng làm việc mới sau đại dịch

  • 03/12/2024

PNO - “Du mục kỹ thuật số” - khái niệm chỉ những người lao động sống ở địa điểm do họ lựa chọn và hưởng sự linh hoạt của làm việc từ xa vốn đã phát triển mạnh trong thời COVID-19. Giờ đây, khi đại dịch lắng xuống, các quốc gia tiếp tục cuộc đua thu hút du mục kỹ thuật số nhằm phát triển kinh tế địa phương.

Làm việc ở mọi nơi

Việc chuyển sang làm việc từ xa đối với nhiều người trong thời kỳ đại dịch đã loại bỏ các rào cản địa lý và mang lại sự linh hoạt hơn trong cách thức, địa điểm thực hiện công việc. Nhiều người lao động giờ có thể hoàn thành công việc ở bất cứ đâu miễn là họ có máy tính và kết nối wifi.

du-muc-ky-thuat-so-xu-_341654811774.jpg
Một phụ nữ trẻ làm việc từ xa trên sân thượng của căn biệt thự nghỉ dưỡng ở đảo Bali, Indonesia - Ảnh: Getty Images

Ngoài những người trẻ tuổi thoải mái bay nhảy, những người lao động lớn tuổi và người có gia đình cũng có thể vừa làm việc vừa du lịch trong thời kỳ hậu đại dịch. Trước xu hướng trên, một số quốc gia hiện đang cấp thị thực dài hạn và các chương trình du mục kỹ thuật số (DMKTS) dành cho những người có thể làm việc từ xa.

avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Trong cuộc khảo sát gần đây của trang Lonely Planet với hơn 1.400 người tham gia - gồm 67 quốc tịch khác nhau, đang sinh sống tại Mỹ, Mexico, Bồ Đào Nha, Indonesia và Tây Ban Nha - 54% cho biết hiện tại họ có thể làm việc ở bất kỳ đâu.

Đó là thế hệ nhân viên mới xuất hiện kể từ khi đại dịch bắt đầu, những người thường xuyên du lịch và làm việc trong khoảng một năm trở lại đây mà không bị ràng buộc tại một địa điểm cụ thể. Phần lớn họ hoạt động trong các ngành công nghiệp dựa trên kỹ thuật số, phổ biến nhất là công nghệ thông tin, kỹ thuật, tư vấn, kinh doanh thông minh, kiến trúc, thiết kế nội thất và tiếp thị. 

Hơn một nửa số người lao động được hỏi trong khảo sát (61%) cho biết hiện đang có công việc ổn định toàn thời gian. Phần lớn (84%) họ tin rằng đặc thù công việc có thể cho phép họ làm việc theo cách DMKTS. Những người có thể tiếp cận cách  sống và làm việc như vậy thường là có một mức lương khá thoải mái. 

Có khoảng 70% người tham gia khảo sát ở độ tuổi từ 24-44, với 56% nam và 44% nữ. Gần một nửa (45%) đã kết hôn và không giống như những người DMKTS điển hình có xu hướng di chuyển một mình, khoảng 70% là các bậc cha mẹ thường đi du lịch cùng con cái.

Thị thực du mục kỹ thuật số thúc đẩy kinh tế địa phương

Các quán bar và bãi biển của Bali dần sôi động trở lại khi Indonesia tăng cường quảng bá hòn đảo như một nơi nghỉ ngơi tinh thần giữa bối cảnh sự chuyển đối số đang diễn ra nhanh chóng. Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno cho biết, chương trình du lịch sinh thái, sự kiện thể thao và chính sách thị thực 5 năm cho người lao động làm việc từ xa dự kiến đưa 3,6 triệu du khách quay trở lại quần đảo này khi họ tái mở cửa. Điều này sẽ giúp tạo ra hơn 1 triệu việc làm cho người dân.

Indonesia hiện đã loại bỏ hầu hết các hạn chế đi lại, cho phép những du khách đã tiêm phòng đầy đủ nhập cảnh mà không cần xét nghiệm hoặc kiểm dịch. Kết quả, lượng khách du lịch đến quốc gia vạn đảo đã đạt 111.000 lượt vào tháng Tư, con số cao nhất kể từ đầu đại dịch. 

Tương tự, Bồ Đào Nha hiện cung cấp thị thực cư trú thời hạn hai năm cho những người lao động có thể chứng minh rằng họ làm việc từ xa trong thời gian lưu trú. Các quốc gia khác cung cấp hình thức thị thực DMKTS bao gồm Úc, Cộng hòa Séc, UAE, Estonia, Đức, Thái Lan, Ý, Tây Ban Nha, Brazil... Các chương trình thị thực thường có lệ phí khoảng 1.000 USD, đi kèm yêu cầu chứng minh thu nhập, việc làm từ xa, bảo hiểm du lịch… 

Nhìn chung, những người DMKTS đã đóng góp thời gian và tiền bạc của họ vào sự phát triển của nền kinh tế địa phương. Chính sách thị thực này được xem như một giải pháp khắc phục tạm thời cho những vướng mắc về chính sách nhập cảnh và sự chậm trễ của thị thực trên khắp thế giới. Không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển về du lịch, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ địa phương, những người DMKTS còn góp phần tạo ra các trung tâm giao thoa công nghệ trên khắp thế giới. 

 Tấn Vĩ (theo Lonely Planet, HBR, SCMP)