Giá cước vận tải biển có thể hạ nhiệt trong năm nay?

  • 05/11/2024
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng hiện nhiều nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, do đó, xu hướng từ nay đến cuối năm khi chỗ trống trên tàu tăng lên, giá cước sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên, điều này sẽ xảy ra với điều kiện các nước duy trì việc kiểm soát tốt dịch bệnh

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương hôm 16/6, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng từ nay đến cuối năm giá cước có thể sẽ hạ nhiệt nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt như hiện nay.

“Hiện nhiều nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, do đó, xu hướng từ nay đến cuối năm khi chỗ trống trên tàu tăng lên, giá cước sẽ hạ nhiệt. Tất nhiên, điều này sẽ xảy ra với điều kiện các nước duy trì việc kiểm soát tốt dịch bệnh”, ông Hải nói.

Thời gian qua, tình trạng thiếu vỏ container và đứt gãy chuỗi cung ứng gây ra bởi dịch COVID-19 đã khiến giá cước tàu phi mã 5 - 10 lần. Điển hình như cước tàu sang Mỹ tăng từ 2000 USD/container (loại 40 feet) trước dịch lên 20.000 USD/container. 

Theo Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam, hiện nay, khoảng 90% hàng hoá dọc vận chuyển bằng đường biển, phần lớn trên các con tàu container lớn của các hãng tàu quốc tế với số lượng khoảng trên 5.500 chiếc trong năm 2021.

Nhu cầu vận chuyển hàng hoá tăng cao làm gia tăng nhu cầu container. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hiệu suất xử lý hàng hoá tại các cảng đều giảm, dẫn đến một lượng khổng lồ container bị ứ đọng tại các cảng Bắc Mỹ và Châu Âu không thể lưu chuyển về châu Á, khiến thời gian quay vòng container tăng vọt. 

Ngoài ra, sự cố tàu Ever Given - một trong những con tàu container lớn nhất thế giới, bị mắc kẹt ở kênh đào Suez hồi tháng 3/2021 khiến hoạt động giao thông trên tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới bị đình trệ 6 ngày, ước tính làm gián đoạn hoạt động thương mại trị giá 9,6 tỷ USD mỗi ngày.

Hay đợt bùng phát COVID-19 tại Quảng Đông, Trung Quốc hồi tháng 5/2021 khiến hoạt động vận chuyển tại các cảng bị đình chỉ, gây gián đoạn dịch vụ vảng tại các cảng “mắt xích” quan trọng, làm ngưng trệ hoạt động giao hàng tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã rất căng thẳng. Những yếu tố này là nguyên nhân đẩy giá cước vận tải biển tăng cao. 

Mặc dù lạc quan rằng giá cước vận tải có thể hạ nhiệt trong năm nay, ông Hải cho rằng Trung Quốc vẫn là một “biến số” chưa thể đoán định trước vì nước này vẫn theo đuổi chính sách Zero Covid.

Trung Quốc sở hữu rất nhiều cảng lớn, trong đó có cảng Thượng Hải, thuộc top 10 các cảng quy mô lớn nhất giới. Đây là nơi có lưu lượng hàng hoá khổng lồ, do đó việc đóng cửa thời gian qua gây ra những đứt đoạn về chuỗi cung ứng. 

“Mặc dù Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại nhưng cũng chỉ giải quyết một phần ách tách và cần thời gian để khôi phục hoàn toàn”, ông Hải nói. 



(Theo: http://vietnambiz.vn/gia-cuoc-van-tai-bien-co-the-ha-nhiet-trong-nam-nay-202262017150743.htm)