Sốc vì nhiễm HIV
Khi đang mang thai, chị V.T.H. (ngụ H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) phát hiện mình bị nhiễm HIV. Hai vợ chồng đều làm công nhân và chị bị lây từ chồng. “Sốc, lo sợ, hoang mang và có ý định tìm đến cái chết” là những trạng thái mà chị đã trải qua sau đó. Nhưng vì “mầm sống” đang ngày càng lớn trong bụng, chị H. đã gác lại mọi cảm xúc tiêu cực và làm theo hướng dẫn của bác sĩ với hy vọng con chị sẽ không bị lây nhiễm.“May mắn đã mỉm cười khi con mình hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng tôi cũng thấy xót con vì không được bú sữa mẹ như bao đứa trẻ khác”, chị H. bồi hồi kể lại. Để duy trì cuộc sống bình thường, hằng ngày chị H. vẫn uống thuốc ARV và làm việc như mọi người. Thỉnh thoảng, chị phải đi khám bệnh vì làm việc quá sức, hay bị viêm phổi, nhiễm nấm candida - loại bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp ở bệnh nhân nhiễm HIV.
Mẹ mất sớm, bố lấy vợ hai và đuổi em N.N.T., (19 tuổi, nhà ở P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) ra khỏi nhà. Hai năm trước, em xin vào làm công nhân và có quan hệ đồng giới với người lớn hơn em mười tuổi. T. không hề biết mình bị nhiễm HIV, chỉ thấy cơ thể luôn mệt mỏi, không tăng ký nên tìm hiểu và đến xin tư vấn tại nhóm đồng đẳng Xuân Hợp (TP.Biên Hòa). Thấy T. trong tình trạng cơ thể gầy gò, xanh xao, nhóm Xuân Hợp đã đưa T. đến cơ sở y tế để xét nghiệm. “Khi nghe tin mình bị nhiễm HIV, em đã vô cùng hoang mang. Cả tháng trời, em chỉ khóc và hoảng loạn, suy sụp. Em rất lo sợ vì nghe nhiều người bị nhiễm HIV đã chết”, T. tâm sự.
Một bác sĩ làm việc nhiều năm tại Khoa Phòng, chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, chia sẻ, tình trạng công nhân trẻ đến tư vấn, khám và điều trị HIV khá đông. Hầu hết ai cũng hoang mang, lo lắng khi nghi ngờ và phát hiện mắc bệnh. “Tôi không thể nào quên hình ảnh nam công nhân T.G.N. mới 20 tuổi với vẻ mặt sợ hãi khi tìm đến chúng tôi. Quê em ở miền Trung, vào Đồng Nai làm việc được hai năm. Khoảng một năm nay, một người đàn ông lớn tuổi tìm đủ cách tiếp cận, dụ dỗ em làm “tình nhân”. Lúc đầu, em từ chối nhưng sự chiều chuộng về vật chất, lẫn am hiểu tâm lý của người này đã khiến em ngã theo. Sau vài tháng quan hệ đồng giới, em nghe nói “bạn tình” của mình từng quan hệ với nhiều người nên vô cùng lo lắng và đến gặp chúng tôi. Kết quả, em đã nhiễm HIV”, vị bác sĩ kể.
|
Tỷ lệ nhiễm HIV trong công nhân ở các khu công nghiệp đang có xu hướng tăng (trong ảnh: Bệnh nhân được bác sĩ tư vấn ở phòng khám và điều trị ngoại trú cho người nhiễm HIV (OPC) tại Đồng Nai) - Ảnh: G.H |
Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong công nhân
Thạc sĩ - bác sĩ Đỗ Hữu Thủy - Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) - cho hay: Trước đây, việc lây nhiễm HIV/AIDS chủ yếu là qua đường máu như sử dụng chung bơm, kim tiêm trong nhóm người tiêm chích ma túy. Còn hiện nay, đường lây nhiễm chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn, chiếm tỷ lệ cao hơn và khó kiểm soát. Kết quả theo dõi tình hình dịch HIV/AIDS cho thấy đang có xu hướng lây nhiễm nhanh ở người trẻ tuổi, tập trung ở các khu công nghiệp, công nhân lao động sinh sống gần các khu công nghiệp.
Số liệu giám sát của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy, ước tính đến cuối năm 2021, cả nước có khoảng 230.000 người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, căn bệnh này đang có xu hướng gia tăng ở một số địa phương, nhất là những tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp như: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2011 là 3,9%, nhưng năm 2015 đã tăng lên 5,1% và năm 2020 là 13,3%… Đáng chú ý, nam giới chiếm đến gần 85% số người nhiễm HIV mới được phát hiện năm 2021, chủ yếu ở độ tuổi trẻ (từ 20 - 39), đặc biệt là công nhân ở các khu công nghiệp.
Qua phân tích số liệu, Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống (Life) cũng ghi nhận có đến hơn 50% người nhiễm HIV mới trong khu công nghiệp, nhà máy. Do đó, việc cung cấp dịch vụ can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho công nhân như: tư vấn, cấp test cho công nhân tự xét nghiệm và kết nối người nhiễm vào chương trình điều trị… là rất cần thiết. Trong những năm qua, Life đã hợp tác và hỗ trợ hơn 130 nhà máy, huấn luyện gần 5.000 cộng tác viên, chăm sóc sức khỏe và cải thiện kỹ năng cho hơn 300.000 công nhân tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Theo ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - năm 2022, tổng liên đoàn đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, tổ chức công đoàn và các nhà tài trợ để triển khai công tác chăm sóc sức khỏe và tăng cường hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở các địa phương: Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Long An, Hải Phòng. Trong đó, người có nguy cơ sẽ được tư vấn, cung cấp test thử và thuốc PrEP - điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, giúp phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tới 99%. Người mắc bệnh thì được hỗ trợ điều trị… “Làm sao để họ có sức khỏe, lao động bình thường và không bị kỳ thị. Từ đó, họ mới tự tin làm việc, có thu nhập đảm bảo cuộc sống, không còn là gánh nặng của gia đình, xã hội”, ông Vũ Mạnh Tiêm chia sẻ.
Gia Huy