Những rủi ro khi trở thành người tham chiếu trong việc vay tiền

  • 27/09/2023

Nhiều người đã rất e ngại khi đột nhiên ngân hàng hay công ty tài chính gọi điện yêu cầu xác nhận thông tin của một người quen biết. Hỏi mới biết đã được giới thiệu để trở thành người tham chiếu giúp người quen ấy vay tiền. Tuy nhiên, nhiều người rất khó chịu với việc này. Vì sao?

Người tham chiếu trong vay tiền là gì?

Trong quá trình hướng dẫn thủ tục vay tiền, các đơn vị cho vay thường nhắc đến 4 khái niệm là người vay, người tham chiếu, người làm chứng và người bảo lãnh. Tuỳ từng gói vay, người vay phải bổ sung thông tin những người còn lại. Thường thì các đơn vị cho vay sẽ yêu cầu người vay cung cấp thông tin hai người tham chiếu.

Khi thẩm định hồ sơ, các tổ chức tín dụng sẽ xác minh thông tin khách hàng bằng nhiều cách, từ nguồn dữ liệu tại Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia đến việc gọi điện cho người tham chiếu. Người tham chiếu sẽ chứng thực những thông tin liên quan đến người vay, thường là nhân thân của người vay, địa chỉ cư trú, nơi làm việc và mức thu nhập cơ bản hàng tháng của người vay. 

 

Vai trò và nghĩa vụ pháp lý của người tham chiếu

Về nguyên tắc, người tham chiếu đơn thuần chỉ xác nhận thông tin mình biết về người quen đang làm hồ sơ vay tiền chứ không liên quan đến hoạt động trả nợ của người ấy sau này. Như vậy, vai trò của người tham chiếu là hết sức mờ nhạt, chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin thêm về người vay để ngân hàng, công ty tài chính tham khảo khi phê duyệt khoản vay. Trong thời gian trả nợ, nếu người vay không thể thanh toán đầy đủ theo thỏa thuận, người tham chiếu cũng không có nghĩa vụ trả nợ giúp người vay. Trong trường hợp khoản vay đó trở thành nợ xấu thì người tham chiếu cũng sẽ không bị ghi nhận là nợ xấu.

So sánh vai trò của người tham chiếu với những thành phần khác được nhắc ở trên thì người vay là người trực tiếp làm hồ sơ vay, nhận tiền và có nghĩa vụ trả nợ. Người làm chứng là người có mặt tại thời điểm người vay ký kết hợp đồng với ngân hàng, công ty tín dụng và sẽ xác nhận việc ký kết hợp đồng đã thực sự diễn ra ở một thời điểm xác định. Người bảo lãnh là người sẽ có trách nhiệm chi trả khoản nợ thay cho người vay trong trường hợp người vay không thể trả nợ đúng theo những gì đã thoả thuận. Như vậy, người bảo lãnh có những ràng buộc pháp lý cụ thể, chặt chẽ đối với việc vay và trả nợ của khách hàng trong khi người tham chiếu cùng người làm chứng không chịu bất cứ trách nhiệm trực tiếp gì khi người vay và đơn vị cho vay xảy ra tranh chấp.

Tuy nhiên, ngoài việc xác minh thông tin nhân thân và thực trạng thu nhập của người vay, các tổ chức tín dụng đặt nhiều kỳ vọng hơn vào người tham chiếu. Cụ thể như: Đảm bảo hơn về trách nhiệm trả nợ của người vay vì đa phần người vay sẽ chọn lựa những người thân thiết, có uy tín với bản thân để giới thiệu làm người tham chiếu. Trong trường hợp người vay không có ý định trả nợ, các tổ chức tín dụng sẽ kỳ vọng người tham chiếu có thể tác động đến người vay để họ trả nợ. 

Để trở thành người tham chiếu, cần phải đáp ứng một số yêu cầu cơ bản như có quan hệ thân thiết và nắm rõ hoàn cảnh, việc làm, thu nhập của người đi vay; có khả năng đánh giá tín dụng của người đi vay không chỉ ở mức thu nhập mà còn ở khả năng trả nợ và cuối cùng là sự trung thực, không che dấu thông tin hoặc xác nhận thông tin sai sự thật.

Những lý do không muốn trở thành người tham chiếu

Như phần đầu bài viết đã đề cập, rất nhiều người tỏ ra ngại ngần, thậm chí không nhận lời trở thành người tham chiếu khi vay tiền. Điều này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau nhưng tựu chung, có hai lý do lớn nhất. 

Đầu tiên là việc nhiều người không hiểu ý nghĩa và nghĩa vụ pháp lý của người tham chiếu, họ thường hiểu người tham chiếu là người bảo lãnh, tức là sẽ đứng ra trả nợ thay cho người vay nếu người vay không đủ khả năng trả nợ. 

Nguyên nhân thứ hai đến từ các tổ chức tín dụng, đó là khi người vay không trả nợ đúng hạn, một số ngân hàng hoặc công ty tài chính đã cho người gọi điện nhờ người tham chiếu nhắc người vay trả nợ. Tuy nhiên, nhiều nhân viên đã không tế nhị khi làm việc, gây nhiều phản cảm, phiền hà, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống hàng ngày. Tiếc thay, trong thời gian qua, việc làm này đã lập đi lập lại nhiều lần một cách thường xuyên, liên tục, gây bức xúc với những người “bị” trở thành người tham chiếu nói riêng và với cả xã hội nói chung. Đây chính là rủi ro lớn nhất khiến nhiều người không muốn trở thành người tham chiếu giúp cho người khác vay tiền.

Tổ chức tín dụng nào “quyết liệt” phải có người tham chiếu? 

Về lý thuyết, chỉ khi làm hồ sơ vay tín chấp, người vay mới phải bổ sung thông tin người tham chiếu. Hầu hết các ngân hàng hiện đã cung cấp các gói vay tín chấp trong khi vay tín chấp là sản phẩm chủ lực của các công ty tài chính. Do vậy, ngân hàng và các công ty tài chính luôn là những đơn vị yêu cầu người vay phải cung cấp thông tin người tham chiếu trong hồ sơ vay.

Thời gian gần đây, do tỷ lệ nợ xấu trong hoạt động cho vay cá nhân có dấu hiệu tăng cao nên các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng yêu cầu phải cung cấp thông tin người tham chiếu, trong đó có cả các cửa hàng cầm đồ. Về căn cứ pháp lý, các cửa hàng hay chuỗi cửa hàng cầm đồ như F88 đều có chức năng cấp tín dụng hợp pháp nên đều có quyền yêu cầu cung cấp thông tin người tham chiếu. Tuy nhiên, do đặc tính của cầm đồ là đã giữ lại tài sản trước khi giải ngân nên việc lấy thông tin người tham chiếu chỉ có giúp yên tâm hơn chứ họ sẽ không gọi điện yêu cầu xác minh thu nhập khách hàng trước khi giải ngân.

Việc trở thành người tham chiếu có khả năng tạo thêm phiền phức nhưng nó cũng mở ra cơ hội vay tiền để giải quyết khó khăn cho những người thân quen xung quanh. Do đó, mọi người nên bình tĩnh nhìn nhận vai trò và ý nghĩa của việc trở thành người tham chiếu, làm sao để giúp những người quen quanh mình có thêm cơ hội vay tiền, lại vừa tránh phiền phức cho bản thân.