Nhà sáng chế Nguyễn Vĩnh Sơn luôn đau đáu giấc mơ chứng minh khả năng của người Việt với toàn thế giới. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).
Kỹ sư, nhà sáng chế Nguyễn Vĩnh Sơn đến với Shark Tank Việt Nam cùng con trai là Nguyễn Vĩnh Hưng.
Hai sản phẩm chính mà ông Sơn mang đến Shark Tank là vòng bi cổ xe (có bằng sáng chế của Việt Nam và bằng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Wipo) và bộ điều khiển giảm xóc (cũng đã có bằng sáng chế và đã được khai thác hơn 10 năm nay). Ông Sơn hiện là Ủy viên Ban sáng lập Hội Sáng chế Việt Nam.
Đến với Thương vụ Bạc tỷ, ông Sơn mong muốn nhờ các Shark đưa sản phẩm ra xa khỏi biên giới Việt Nam với deal gọi vốn là 4,5 tỷ cho 10% cổ phần, đồng thời, tặng thêm 20% nữa cho Shark nào đi cùng với ông cho đến khi hoàn thành tâm nguyện là có 10 sản phẩm phụ tùng xe máy.
Theo thuyết minh, ông Sơn đã phát minh ra thiết kế đặc biệt với kích cỡ tương đồng với sản phẩm chính nhưng độ bền tăng gấp 3 đến 5 lần, giúp xe chạy êm hơn, giảm xóc, giảm trượt, và có thể sử dụng đến 10 năm không cần bảo trì.
Sau khi trải nghiệm thử bằng cách chạy xe có gắn vòng bi cổ xe và bộ điều khiến giảm xóc của ông Sơn, Shark Hưng nhận xét: “Tôi thấy tính năng cơ khí của việc phân bổ lực quán tính ở trong ống giảm xóc của xe hoạt động khá ổn.
Tôi cảm nhận rất rõ lực văng của xe bớt đi rất nhiều so với xe đối chứng là xe không lắp thiết bị đó. Tôi bóp phanh gấp trong lúc đang chạy với tốc độ 50 cây số/giờ mà vẫn cảm thấy không có lực văng, như là dính vô luôn”. Ông Sơn cũng cho biết mình đã ứng dụng sản phẩm này vào thực tế hơn 10 năm nay, lắp được cho trên 100.000 chiếc xe.
Theo ông Sơn, sản phẩm của ông chỉ cần bán cho thợ sửa xe cũng đạt doanh số lớn hơn so với việc bán cho nhà sản xuất. Nhà sáng chế cho biết số xe chạy hiện nay trên thị trường nhiều gấp 10 lần số xe một hãng bán ra.
Shark Phú cho rằng sáng chế này là một bộ phận của một sản phẩm, nên phải được một hãng tạo ra sản phẩm đó ứng dụng vào sản phẩm công nhận nó, thì mới có sự lan tỏa đến người dùng.
Shark Hưng đồng quan điểm khi cho rằng ở nước ngoài khi mua ô tô sẽ hay có các phiên bản thay thế, nhưng chỉ khi hãng công nhận phụ tùng chi tiết đó được phép sử dụng cho xe thì mới bán đại trà được. Để nếu có sự cố xảy ra thì hãng đồng ý rằng không phải là vấn đề do sự thay thế đó tạo ra. Shark Hưng nhận định đây là yếu tố quan trọng trong quá trình thương mại hóa.
Khi Shark Hưng hỏi thêm rằng startup có muốn bán hẳn sáng chế của mình cho một nhà đầu tư nào đó để họ thương mại hóa hay không, ông Sơn cho rằng đây không phải là vấn đề về quyền lợi của mình.
“Người ta vẫn hay nói với tôi rằng ở tuổi này anh viên mãn rồi, cần tiền làm gì? Tôi nói, không, tôi còn một ước mơ cao lắm. Đó là tôi muốn cả thế giới này biết Việt Nam là ai. Thứ hai nữa là tôi muốn truyền đạt đến các startup trẻ rằng phải có niềm cảm hứng, và hãy làm gì đó thật hoàn chỉnh rồi hãy đến đưa cho các Shark, đừng làm nửa vời”, ông Sơn bày tỏ.
Shark Hưng hỏi thêm về chuyện kinh doanh của gia đình, con trai ông Sơn cho biết gia đình mỗi ngày sửa từ 20 đến 30 chiếc xe, trung bình mỗi chiếc là 600.000 đồng, một năm thu được trên dưới 4 tỷ đồng.
Shark Hưng kết luận rằng ông Sơn đến đây kêu gọi 4,5 tỷ không phải vì cần tiền mà để tìm người đồng hành, nên ông không chốt deal, nhưng có thể đồng hành cùng nhà sáng chế già để kết nối với các nhà sản xuất xe hoặc tư vấn cho startup các cách để thương mại hóa.
Shark Phú cũng từ chối đầu tư vì lý do khác ngành nghề, song Shark Phú gợi ý rằng Tập đoàn Sunhouse chuyên sản xuất các sản phẩm đồ gia dụng như điều hòa, lò nướng... vì thế Shark Phú muốn mời ông Sơn tới thăm nhà máy và hỗ trợ phòng nghiên cứu của công ty, nếu startup có sáng chế phù hợp, ông sẽ sẵn sàng mua lại và cùng với startup thương mại hóa nó.
Shark Hùng Anh và Shark Liên chia sẻ sản phẩm này không nằm trong hệ sinh thái nên cả hai vị cá mập cũng sẽ không đầu tư.
Shark Bình đồng ý hỗ trợ các phát minh của nhà sáng chế Nguyễn Vĩnh Sơn. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).
Shark Bình bày tỏ hào hứng với deal của ông Sơn nên vị cá mập đề xuất đầu tư số tiền 4,5 tỷ đồng hoặc hơn, với điều kiện sẽ thẩm định lại tính khả thi của sản phẩm. Nếu khả thi, NextTech sẽ đầu tư và phụ trách các công việc liên quan đến sản xuất đại trà, kinh doanh và thương mại hóa…
NextTech sẽ nhận 70% lợi nhuận sau khi trừ đi các chi phí. Đề nghị này sẽ áp dụng cho tất cả các sản phẩm sáng chế của startup, bao gồm cả sản phẩm áo giáp chống dao đâm mà ông Sơn mang tới tặng các Shark - chiếc áo giáp đặc biệt, khi vũ khí đâm vào sẽ làm phân tán lực khiến đối tượng chỉ bị xô ra chứ không bị thương. Ngoài ra, áo còn chống được cả đạn ghém và súng điện.
Nhà sáng chế Nguyễn Vĩnh Sơn cho biết ông muốn trích 1% lợi nhuận của áo giáp cho anh em trong hội Sáng chế, Shark Bình đồng ý nhận 69%. Vì vậy startup đồng ý bắt tay với Shark Bình trong thương vụ này.