Trung Quốc hoãn nới lỏng chính sách tiền tệ trước cuộc họp của Fed

  • 04/11/2024
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã không cắt giảm một lãi suất chính sách quan trọng vào ngày 15/6. Mục đích của quyết định này là tránh làm gia tăng sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ của Trung Quốc với Mỹ, bảo vệ đồng nhân dân tệ.
01-06-2022 Hệ thống ngân hàng Trung Quốc thừa tiền vì dân chẳng mặn mà đi vay
11-05-2022 Thị trường tín dụng Trung Quốc đón bão mới với kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Fed
pboc-20220615151946982.png?width=700

Tòa nhà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh. (Ảnh: Bloomberg). 

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã giữ nguyên lãi suất công cụ cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm vào ngày 15/6, giống như dự đoán của hầu hết các nhà kinh tế mà Bloomberg khảo sát. PBoC cũng cho vay tuần hoàn đối với các khoản vay MLF tới hạn trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 29,7 tỷ USD).

Quyết định trên được đưa ra chỉ vài giờ trước khi cuộc họ chính sách quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc. Các quan chức Fed có thể sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994.

Sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa PBoC và Fed đã xóa sổ mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc và Mỹ, châm ngòi cho dòng vốn tháo chạy và kéo đồng nhân dân tệ đi xuống. Sau thông báo của PBoC, đồng nhân dân tệ nội địa có lúc tăng giá tới 0,42% lên 6,7144 nhân dân tệ/USD.

Ông Castor Pang, nhà nghiên cứu trưởng tại công ty đầu tư Core Pacific-Yamaichi International nói với Bloomberg: “Nới lỏng chính sách tiền tệ quá nhiều trong khoảng thời gian ngắn sẽ khiến tỷ giá đồng nhân dân tệ biến động mạnh hơn. Điều này sẽ khiến dòng tiền nóng rời khỏi Trung Quốc và khiến nhân dân tệ suy yếu hơn nữa. Đó chính là điều mà Bắc Kinh không muốn để xảy ra vào lúc này”.

Trung Quốc đã tránh tung ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ trong những tháng gần đây. Thanh khoản liên ngân hàng tại Trung Quốc vẫn đang dồi dào nhưng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người tiêu dùng lại yếu ớt.

Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách lựa chọn dùng đến các công cụ cho vay nhắm đối tượng cụ thể hơn và đẩy nhanh chi tiêu tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.

Quyết định của PBoC được đưa ra sau khi chính phủ Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế tháng 5. Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc bất ngờ gia tăng trong tháng vừa rồi, nhưng chi tiêu tiêu dùng vẫn tiếp tục sụt giảm do tâm lý người tiêu dùng bị đè nặng bởi các biện pháp chống dịch.

Các nhà quan sát giờ chuyển sự chú ý sang khả năng Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) vào ngày 20/6. Tháng trước, các ngân hàng đã cắt giảm lãi suất cơ sở cho các khoản vay dài hạn sau khi PBoC giảm mức sàn đối với lãi suất thế chấp. Dẫu vậy, nhu cầu tín dụng vẫn không được cải thiện trong tháng 5.

Ông Banny Lam, nhà nghiên cứu trưởng tại CEB International Investment, kỳ vọng các ngân hàng sẽ giảm 10 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay một năm vào thứ Hai tới. Ông chỉ ra: “Cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản sẽ có ích hơn là lãi suất MLF trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế”.

Việc cho vay tuần hoàn các khoản vay MLF là rất cần thiết để giúp các ngân hàng mua thêm trái phiếu chính phủ. Theo dữ liệu Bloomberg tổng hợp, trong tuần này Trung Quốc sẽ phát hành lượng trái phiếu địa phương kỷ lục với trị giá lên đến 623 tỷ nhân dân tệ nhằm tài trợ cho chi tiêu cơ sở hạ tầng.



(Theo: http://vietnambiz.vn/trung-quoc-hoan-noi-long-chinh-sach-tien-te-truoc-cuoc-hop-cua-fed-2022615152231855.htm)