Ảnh minh họa.
Mỗi khi có chuyện không hay xảy ra, thay vì khăng khăng cho rằng mình đúng, người khác sai, thì cô cố gắng bình tâm suy xét câu chuyện ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau.
Trước khi kết hôn, cô và anh có thời gian dài tìm hiểu, yêu nhau thắm thiết. Thế nhưng, khi về chung một nhà cũng không tránh khỏi "cơm không lành, canh không ngọt". Đấy là với người mà cô "đầu gối tay ấp", còn với bố mẹ chồng, những mâu thuẫn còn nhiều hơn.
Thời gian ở cữ chăm con sau sinh, cô có khoảng 5 tháng về quê ở chung với bố mẹ chồng. Chồng cô đi làm xa, 1 - 2 tháng mới về thăm vợ con được 1 lần. Lúc đó, ngoài bố mẹ chồng ra, cô không có ai để tâm sự. Không người thân, không họ hàng, không bạn bè, không internet.
Đã có những bất đồng giữa con dâu và bố mẹ chồng. Nhưng cô không làm to, cũng không suy diễn mọi chuyện. Cô cố gắng đơn giản hóa mọi chuyện để rồi khi hóa giải xong thì mọi người lại vui vẻ với nhau. Cô không để bụng hay mang chuyện nhà ra nói bên ngoài.
Cô và mẹ chồng thường không cùng quan điểm nuôi dạy con. Bà thường chăm cháu theo cách truyền thống, còn cô muốn chăm theo kiểu hiện đại. Thế nhưng, khi bà yêu cầu cô chăm con theo cách bà muốn, cô không cãi lại mà chỉ dùng kế hoãn binh kiểu "vâng, để con tìm hiểu thêm xem như thế nào".
Sau vài ngày suy nghĩ, cô đặt mình vào địa vị của mẹ chồng. Cô nhận ra, trước đây bà cũng nuôi các con bà như vậy. Họ đều lớn lên khỏe mạnh bình thường. Điều bà muốn cũng chỉ tốt cho cháu. Bà muốn chia sẻ bí quyết chăm trẻ chứ không có ý chê trách con dâu. Khi nhận thức như vậy, cô chia sẻ những suy nghĩ với mẹ chồng cũng nhẹ nhàng hơn, để 2 mẹ con thống nhất được việc chăm sóc đứa trẻ một cách tốt nhất. Bởi, chỉ cần không khéo, mâu thuẫn sẽ càng bị đẩy lên cao. Bà sẽ càng tự ái khi cho rằng "các chị bây giờ hơi tí là khoa học nọ kia. Tôi cổ hủ, lạc hậu. Tôi không biết chăm con nhưng tôi cũng nuôi chồng chị lớn đến tận giờ đấy".
Khi có chuyện gì, cô cũng thường xuyên chia sẻ thẳng thắn với mẹ chồng: Nếu mẹ thấy con làm gì chưa đúng thì con mong mẹ góp ý với con, để con sửa đổi và không mắc phải sai lầm đó nữa. Trước sự chân thành của con dâu, mẹ chồng cô cũng hiểu cô hơn và không khắt khe với cô nữa.
Cô nhận ra, khi có việc gì xảy ra thì nên tiếp cận theo kiểu sự việc, tránh suy diễn lung tung không đúng. Cần suy xét vấn đề dưới góc độ của người khác, và luôn suy nghĩ theo hướng tích cực. Lựa chọn phương án giải quyết sao cho êm đềm và tốt đẹp với tất cả mọi người, hạn chế kéo theo người khác để đỡ bị ảnh hưởng lây.